Cận thị có phải một bệnh?

21/08/2021
Cận thị có phải một bệnh?

Trong thời đại công nghệ kỹ thuật số, tật khúc xạ học đường đang gia tăng đáng kể ở các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, hiện nay đang có khoảng 150 triệu người mắc tật khúc xạ chưa được điều chỉnh, trẻ em chiếm khoảng 9% trong số đó. Khu vực châu Á là nơi có tỉ lệ mắc tật khúc xạ cao nhất thế giới, đặc biệt là Trung Quốc, Đài Loan, Singapore, có tật khúc xạ chiếm khoảng từ 80% đến 90% ở học sinh các cấp.

Trong 4 loại tật khúc xạ, cận thị được xem là phổ biến nhất ở Việt Nam hiện nay. Theo một nghiên cứu vào năm 2016, tỉ lệ cận thị trong dân số hiện nay chiếm khoảng 23% dân số, và ước tính đến năm 2050, tỉ lệ này có thể đạt đến 50% tổng dân số thế giới với 9,8% mắc tật cận thị độ cao. Ở Việt Nam, theo nhiều nghiên cứu, tỉ lệ cận thị tương đối cao, và có xu hướng tăng nhanh trong tương lai.

Cận thị gây ra tình trạng suy giảm thị lực đang ở mức báo động, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Ngoài ra, cận thị phát triển thành cận thị độ cao sẽ gây ra các biến chứng khác như thoái hóa võng mạc, bong, rách võng mạc,…Vì vậy, việc nên đưa trẻ và người thân đến khám để tầm soát tật khúc xạ nói chung và tình trạng cận thị nói riêng là thực sự cần thiết.

Định nghĩa

Tật cận thị xuất hiện khi trục của nhãn cầu quá dài hoặc giác mạc (một bề mặt trong suốt ở phía trước mắt) quá cong, làm cho ánh sáng vào mắt không hội tụ đúng vào võng mạc, dẫn đến việc thấy hình ảnh bị mờ. Vì vậy, người bị cận thị có thể nhìn rõ vật ở gần hơn ở xa.

dau-hieu-bi-can

Khi cận thị, bạn nhìn đồ vật, chữ số sẽ bị mờ

Các yếu tố nguy cơ

Ngoài các nguyên nhân nói trên, tật cận thị cũng có xu hướng di truyền. Nếu cha mẹ bị cận thị, nguy cơ con mắc cận thị sẽ cao hơn khoảng 6 lần (trường hợp cả cha và mẹ cùng mắc), hoặc 3 lần (trường hợp chỉ cha hoặc mẹ mắc). Bên cạnh đó, cận thị cũng có xu hướng phát triển đối với những người hay có thói quen sử dụng thị giác gần nhiều (đọc sách, sử dụng điện thoại, máy tính, vẽ tranh,…) [10]

Triệu chứng

Các triệu chứng của cận thị bao gồm:

  • Nhìn xa mờ
  • Nhìn mờ vào ban đêm
  • Khi học tập hoặc xem ti vi, trẻ em hay đến gần để xem hoặc đọc
  • Thường xuyên nheo mắt, nháy mắt
  • Chảy nước mắt, hay buồn ngủ
  • Sợ ánh sáng

Chẩn đoán

Để chẩn đoán các loại tật khúc xạ, có rất nhiều phương thức để thực hiện, nhưng nguyên tắc chính vẫn là sử dụng các máy móc, thiết bị để đo lực hội tụ ánh sáng vào mắt. Quy trình chẩn đoán bao gồm:

  • Hỏi bệnh sử
  • Đo thị lực (xa, gần ở từng mắt, và hai mắt) khi có kính và không kính
  • Đo khúc xạ khách quan (sử dụng phương pháp soi bóng đồng tử, máy khúc xạ tự động,…)
  • Đo khúc xạ chủ quan (sử dụng kính thử, cân bằng hai mắt,…)
  • Điều chỉnh kính thích hợp
  • Ra đơn kính
  • Khám tình trạng thị giác 2 mắt, vận nhãn, điều tiết
  • Khám tổng quát về bệnh lý
  • Tư vấn các phương pháp điều chỉnh phù hợp (Kính gọng, kính tiếp xúc,…)
  • Giáo dục bệnh nhân

Một số phương pháp điều chỉnh/điều trị cận thị

Mục tiêu của việc điều trị/điều chỉnh cho bệnh nhân cận thị là giúp cho mắt không còn thấy mờ, thoải mái hơn, tình trạng thị giác hai mắt cũng được cải thiện, các biến chứng của tình trạng cận thị được theo dõi và kiểm soát. 

Có 4 phương pháp điều chỉnh/điều trị cận thị thông dụng:

Điều chỉnh quang học

Kính gọng

Ưu điểm của kính gọng

  • Giá thành thấp
  • Độ an toàn cao (đối với các chất liệu chống va đập tốt)
  • Có thể phối hợp thêm lăng kính để điều trị các tình trạng thị giác hai mắt
  • Kính gọng không gây ra các loại viêm nhiễm trên mắt như kính tiếp xúc
  • Phù hợp với đa số các lứa tuối
deo-kinh-can

Đeo kính cận giúp bạn nhìn rõ mọi vật hơn

Nhược điểm của kính gọng:

  • Đôi khi không thích hợp cho một số người chơi thể thao, hoạt động mạnh
  • Vùng nhìn chu vi bị hạn chế
  • Có thể gây ra một số tác dụng quang học không mong muốn làm mỏi mệt thị giác khi gọng không được chỉnh đúng tâm mắt

Kính tiếp xúc

Ưu điểm của kính tiếp xúc:

  • Tính thẩm mỹ cao hơn kính gọng
  • Điều trị tốt hơn trong các trường hợp trẻ bị bất đồng khúc xạ (tật khúc xạ hai mắt có sự chênh lệch đáng kể)
  • Vùng nhìn không bị thu hẹp
  • Phù hợp hơn cho người hay hoạt động mạnh, chơi thể thao,…

Nhược điểm của kính tiếp xúc:

  • Có thể gây ra một số viêm, nhiễm ở phần trước mắt
  • Giá thành đắt hơn kính gọng
  • Khó sử dụng; khi sử dụng phải được tư vấn chuyên môn kĩ từ đội ngũ nhân viên y tế

Kính tiếp xúc cứng thấm khí Ortho – K (Orthokeratology)

Ortho – K là một loại kính tiếp xúc cứng có cấu tạo đặc biệt, có khả năng đè dẹt vùng giác mạc trung tâm, làm thay đổi cách các tia sáng đi vào mắt, từ đó làm giảm độ cận thị. Loại kính này thường được đeo vào buổi tối khi đi ngủ, và tháo ra vào buổi sáng khi thức dậy. Sau khi tháo kính ra vào buổi sáng, bệnh nhân sẽ không cần phải đeo kính mà vẫn nhìn rõ trong một khoảng thời gian nhất định. Phương pháp này cũng có một ứng dụng khác trong việc kiểm soát quá trình phát triển cận thị của trẻ em.

Ưu điểm:

  • Tính thẩm mỹ cao
  • Hạn chế việc thiếu oxy cho giác mạc khi đeo, giảm đi một phần các biến chứng ở mắt do kính tiếp xúc gây ra
  • Kết quả của quá trình điều trị cũng có thể đảo ngược được, nghĩa là sau khi ngừng đeo kính một khoảng thời gian, giác mạc sẽ trở lại trạng thái ban đầu – đây là một ưu điểm so với các loại phẫu thuật khúc xạ.

Nhược điểm:

  • Vẫn tồn tại một nguy cơ nhất định mắt bị viêm, nhiễm khuẩn
  • Giá thành của loại kính này cũng tương đối cao hơn so với các loại kính tiếp xúc khác.

Phẫu thuật khúc xạ

Các phương pháp phẫu thuật khúc xạ sử dụng nhiều phương thức khác nhau nhằm thay đổi công suất khúc xạ của giác mạc, giúp cho ánh sáng hội tụ chính xác vào võng mạc, từ đó bệnh nhân sẽ có thể nhìn thấy rõ.

Có nhiều phương pháp phẫu thuật khúc xạ phổ biến ở Việt Nam: LASIK, Femto – LASIK, ReLEx SMILE,…

Ưu điểm:

  • Thời gian phẫu thuật ngắn
  • Thời gian hồi phục ngắn
  • Có tính thẩm mỹ cao

Nhược điểm:

  • Chi phí khá cao
  • Phụ thuộc nhiều vào tay nghề của phẫu thuật viên
  • Có nguy cơ gây ra một số biến chứng sau mổ

Follow chúng mình để cập nhật những sản phẩm mới nhất nhé!